Trang chủ Trang chủ

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước

16/04/2024
Hướng tới kỉ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), gần 5 thập kỉ trôi qua, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, một sự kiện có tầm quốc tế lớn lao, có tính chất thời đại sâu sắc.

Trong cuốn "Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng", Nxb. Chính trị Quốc gia Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra tổng kết về sự nghiệp đấu tranh giải phóng nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng: "Một sự trùng hợp lịch sử thú vị đã diễn ra: Hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc trong thế kỉ XX cùng kết thúc bằng cuộc chiến đấu 55 ngày đêm. Nếu như ở Điện Biên Phủ, 55 ngày đêm là thời gian cần thiết cho một trận tiến công dài ngày vào một tập đoàn cứ điểm kiên cố, theo phương trâm "đánh chắc tiến chắc" thì 55 ngày đêm Tiến công và nổi dậy ở miền Nam lại là bước kết thúc chiến tranh không ngừng rút ngắn, khẩn trương "thần tốc", nhanh đến không ngờ".
 


Câu đầu tiên trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định thắng lợi tất yếu của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, trong tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Hội nghị Bộ Chính trị (từ ngày 30/9-7/10/1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 18/12/1974 - 8/1/1975) đã bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trong thư của Tổng Bí thư Lê Duẩn gửi đồng chí Phạm Hùng về kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị đã viết: “Lúc này, chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn”.

Tại miền Đông Nam Bộ, Quân ủy và Bộ Tư lệnh miền quyết định mở chiến dịch đường số 4 – Phước Long nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, tạo thêm bàn đạp tiến công Sài Gòn. Trong vòng 20 ngày (12/12/1974-6/1/1975) quân ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long. Phước Long thất thủ, Nguyễn Văn Thiệu giãy giụa, Mỹ hăm dọa, gây áp lực từ xa, cho báo động khẩn cấp sư đoàn 3 thủy quân lục chiến ở Ôkinawa, đe dọa ném bom trở lại miền Bắc, cho tàu sân bay Interprise từ Philippines vào vùng biển nam Việt Nam mà không có hành động trực tiếp cứu nguy cho quân đội Sài Gòn.

Thắng lợi của ta trong chiến dịch đường 14 Phước Long đã khẳng định một thực tế là quân đội Sài Gòn không thể đương đầu nổi với chủ lực của ta. Ta hoàn toàn có khả năng đánh thắng toàn bộ quân đội Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn Miền Nam. Mặt khác sự kiện Phước Long còn chứng tỏ sự phản ứng của Mỹ chỉ có mức độ, “khả năng can thiệp về quân sự của Mỹ rất hạn chế” và “Mỹ khó có khả năng vào lại miền Nam Việt Nam” đúng như Bộ Chính trị đã nhận định:… “đã rút quân về nước, quân Mỹ khó quay trở lại nếu có thì chỉ có thể dùng không quân và hải quân để cứu nguy”. Đây là lúc thiên thời, địa lợi, nhân hòa để Bộ Chính trị them quyết tâm khẳng định, bổ sung, hoàn thành kế hoạch quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Cụ thể là năm 1975 tranh thủ thời cơ, bất ngờ tiến công địch trên quy mô lớn, rộng khắp, tạo điều kiện đến năm 1976 tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn miền Nam. Về hướng tiến công chiến lược Bộ Chính trị yêu cầu bộ đội chủ lực phải chuẩn bị trên cả 2 hướng. Tây Nguyên mà trọng điểm là Nam Tây Nguyên là hướng chiến lược rất quan trọng. Đây là chiến trường chủ yếu trong cuộc tiến công lớn và rộng khắp năm 1975. Miền Đông Nam Bộ là hướng quyết định cuối cùng.

Bộ Chính trị đề ra kế hoạch 2 năm, nhưng lại nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tranh thủ thời cơ thực hiện “tổng công kích - tổng khởi nghĩa” phải đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa… giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.

Hội nghị Bộ Chính trị của Đảng cuối năm 1974 đầu năm 1975 có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Hội nghị đã phân tích, đánh giá chính xác sự phát triển của tình hình, đề ra phương án hành động đúng đắn, thể hiện quyết tâm chiến lược cao giải phóng hoàn toàn miền Nam khi thời cơ đến. Đó thực sự là ngọn đuốc soi đường dẫn đến đại thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Quân ủy T.Ư truyền đạt
Nghị quyết Bộ Chính trị mở chiến dịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)


Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, diễn ra trong suốt 55 ngày đêm kiên cường trải qua 3 chiến dịch lớn: Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4/3 đến ngày 24/3/1975); Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (từ ngày 21 đến ngày 29/3/1975); Chiến dịch Hồ Chí Minh (từ ngày 26 đến ngày 30/4/1975).

Ngày 7/4/1975, sau thắng lợi giòn giã của các chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch tiến công Huế – Đà Năng, điều kiện chiến trường miền Nam đã chín muồi, các lực lượng giải phóng cùng toàn dân đã chuẩn bị sẵn sàng, toàn bộ các cánh quân của ta ở phía Nam đã nhận được một bức điện khẩn của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Bức điện vừa là mệnh lệnh, vừa là lời hịch cổ vũ tinh thần đối với chỉ huy, chiến sĩ trên chiến trường vào thời điểm vô cùng quan trọng của cuộc chiến. Nghiên cứu lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam, Mệnh lệnh giải phóng miền Nam trở thành mật lệnh của nghệ thuật chớp thời cơ.
 

Điện mật của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị
tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 7/4/1975 (Ảnh tư liệu)


Trong đó, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là chiến dịch quyết chiến, chiến lược trong tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975 - cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc thắng lợi và nhân dân ta đã thực hiện trọn vẹn tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".

Đây là chiến dịch thể hiện những nét đặc sắc về tạo thời cơ, về cách đánh, về cường độ tiến công, về tác chiến hợp đồng quân binh, về mục tiêu, ý nghĩa của nó đối với phong trào giải phóng dân tộc và mãi mãi là sức mạnh của truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, là biểu tượng cốt cách của trí tuệ, của văn hoá Việt Nam và của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
 

Xe tăng 843 và xe tăng 390 lần lượt húc đổ cổng phụ và cổng chính (hướng chính diện), tiến vào Dinh Độc Lập


Đánh giá thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, chiến dịch Hồ Chí Minh nói riêng, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV tháng 12/1976 Đảng ta đã nhận định: "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử của dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tinh thần thời sự sâu sắc" . Giáo sư Nây Sihan - Đại học Goóc nen, Mỹ đã nhận xét rằng: "đây là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc". Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là sự kết tinh của sức mạnh dân tộc, là đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, là bản hùng ca khải hoàn của một chân lý vĩnh hằng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Ngót 50 năm trôi qua, hôm nay đây đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử, giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ý nghĩa và những bài học lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay./.

Ban truyền thông
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 5 đánh giá
Chia sẻ:
TIN KHÁC

Văn bản mới