Trang chủ Trang chủ

Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ - đỉnh cao bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

16/04/2024
Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc vàng chói lọi, là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị thế giới trong những năm 50 của thế kỷ XX. Dù thời gian đã lùi xa bảy thập niên, nhưng tầm vóc, ý nghĩa và những bài học đúc rút từ sự kiện lịch sử trọng đại này vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngay khi biết Thực dân Pháp xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã chấp nhận giao chiến với chúng, chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953 - 1954, để kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang ngày càng có lợi cho ta. Kế hoạch chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới được chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng, hậu cần, kế hoạch quân sự, … và huy động cả nước cùng chung tay thực hiện nhằm cho bọn thực dân một đòn đau ở vùng lòng chảo Điện Biên Phủ.
 

Trường đoạn 1 “Toàn dân ra trận” trong bức tranh toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ
là hình ảnh những đoàn xe đạp thồ vận chuyển hàng cung cấp cho chiến dịch


Trong những ngày chuẩn bị đòn quyết định đánh vào Điện Biên Phủ, nhà báo Ôt-trây-li-a Bớc-sét đã hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh về những gì đang xảy ra ở Điện Biên Phủ, một địa danh thường được nhắc đi nhắc lại trong các buổi phát thanh ở Việt Nam và nước ngoài. “Đây là Điện Biên Phủ - người nói và lật ngược chiếc mũ cát trên bàn. Đây là núi, người dùng ngón tay mảnh dẻ, rắn rỏi đưa theo vành mũ - chúng tôi đang ở đây. Còn phía dưới - tay người đặt xuống đáy mũ - là thung lũng Điện Biên Phủ. Quân pháp ở đấy. Chúng không thể thoát ra khỏi đây được. Có thể chúng sẽ còn ở đấy lâu, nhưng dứt khoát không thể thoát ra được”. Thực tiễn những gì đã diễn ra ở Điện Biên Phủ đã chứng minh nhận định của Người là hoàn toàn đúng.

Nằm dưới chiếc mũ cát của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những đơn vị tinh nhuệ nhất mà Bộ chỉ huy tối cao của Pháp ở Đông Dương có thể tập trung được gồm: những đơn vị lính dù của quân viễn chinh Pháp và những đơn vị lê dương Đức, tất cả gồm 16.200 tên.

Ngày 13/3/1954, bộ đội ta bắt đầu tấn công mãnh liệt. Pháo Binh liên tiếp giội bão lửa xuống Biện Biên Phủ. Diễn biến của trận đánh làm Bộ Chỉ huy quân pháp phải kinh ngạc. Theo kế hoạch nhằm giữ vững cứ điểm trung tâm, chúng dựa vào sức mạnh của pháo binh và sự yểm trợ tập trung của không quân. Nhưng giờ đây, quân đội Việt Nam cùng có pháo binh, được bố trí trên các hầm đào trên sườn núi. Pháo binh của ta đã giáng cho địch những tổn thất nặng nề, trực tiếp bắn cháy gần 20 máy bay Pháp ngay trên đường băng.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân (1953 - 1954)
và Chiến dịch Điện Biên phủ 1954


Lưới lửa chính xác của pháo cao xạ Việt Nam đã hạn chế rất nhiều hoạt động của không quân Pháp. Những tên lính lê dương Đức đã phải hét lên: “Hỏa lực Xta-lin-grát”. Bằng cách đào chiến hào tiến gần đến các vị trí của quân Pháp, rút ngắn cự ly cho cuộc tổng công kích. Cuối cùng những chiến hào này đã tiến sát các hỏa điểm kiên cố của quân Pháp và ép từ hai phía như hai gọng kìm vào từng hầm trú ẩn, từng hỏa điểm. ngày 7/5/1954, sau 55 ngày đêm chiến đấu liên tục, cứ điểm phòng ngự lớn nhất của thực dân Pháp đã thất thủ.

Tư lệnh tập đoàn cứ điểm của Pháp là Đờ Ca-xtơ-ri vừa được thăng cấp tướng, buộc phải ra lệnh đầu hàng. Lá cờ Quyết chiến quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam tung bay phấp phới trên nóc hầm chỉ huy của địch, báo hiệu chiến thắng lịch sử của những người yêu nước Việt Nam.

Ngày 8/5/1954 Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ra:

THÔNG CÁO ĐẶC BIỆT

ĐÚNG 22 GIỜ NGÀY 7-5-1954

QUÂN TA ĐÃ TIÊU DIỆT TOÀN BỘ QUÂN ĐỊCH Ở ĐIỆN BIÊN PHỦ

Chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại đã thu được toàn thắng”

Bộ Tổng Tư lệnh báo tin chính thức tin thắng trận cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ, toàn thể các đơn vị, toàn thể các binh chủng, toàn thể các cơ quan và các ngành, toàn thể các anh chị em dân công và thanh niên xung phong đang phục vụ trên mặt trận Điện Biên Phủ, toàn thể đồng bào Tây Bắc: Đêm mồng 6/5, lúc 21 giờ, quân ta chia làm nhiều cánh mở cuộc đại tấn công vào Điện Biên Phủ. Cuộc chiến đâu diễn ra vô cùng anh dũng và dữ dội suốt trong đêm mồng 6. Đến trước sáng ngày 7/5 thì quân ta đã hoàn toàn làm chủ ngọn đồi số 5 (tức là Đồi A1) là ngọn đồi kiên cố và xung yếu nhất của địch ở Đông Nam Mường Thanh trức tiếp án ngữ cho khu chỉ huy của chúng.

Cuộc tấn công của quân ta tiếp tục suốt ngày 7/5. Cuộc tấn công của quân ta luôn có trọng pháo và cao xạ yểm trợ rất đắc lực…Khoảng 15h30 thì những vị trí cuối cùng của địch án ngữ cầu Mường Thanh bị tiêu diệt. Số còn lại kéo cờ trắng ra hàng. Trong khi đó các trọng pháo của ta không ngớt bắn phá các lô cốt và công sựu của địch,không gớt bắn chặn bọn địch ở bên này sông bỏ chạy về Mường Thanh. Đến 16 giờ quân ta thừa thắng vượt qua sông Mường Thanh phát triển ngay vào giữa các vị trí còn lại của địch, đánh thẳng vào cơ quan Tư lệnh của địch.

Đúng 16 giờ 20 phút ngày 7/5/1954, quân ta bắt sống toàn bộ cơ quan tư lệnh của địch, trong đó có tên Thiếu tướng Đờ-cát-tri. Ngay lúc đó quân ta từ các mặt tiến thẳng vào Mường Thanh, sự chống cự của địch hoàn toàn bị tê liệt, hàng nghìn quân địch ở 27 cứ điểm còn lại, kéo cờ trắng ra hàng. Đến 22 giờ, thì tiêu diệt toàn bộ quân địch.
 

Trường đoạn 4 “Chiến thắng” trong bức tranh toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Điểm nhấn là lá cờ
“Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries


Bộ Tổng Tư lệnh chính thức công bố tin chiến thắng vĩ đại của quân ta. Sau 5 tháng bao vây và gần 2 tháng tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân đội nhân dân anh dũng của chúng ta đã tiêu diệt 17 tiểu đoàn bộ binh tinh nhuệ của địch, 3 tiểu đoàn trọng pháo và một số đơn vị công binh cơ giới, phá hủy và bắn rơi 57 phi cơ địch thu được một thắng lợi vĩ đại xưa nay chưa từng có trong lịch sử kháng chiến của quân dân ta.

Đồng thời trong Bản thông cáo đặc biệt của Bộ Tổng Tư lệnh đã nêu cao công trạng của bộ đội, dân công, nhân dân ta trong chiến dịch lịch sử này và kêu gọi: toàn thể các cán bộ, chiến sĩ, các anh chị em dân công trong khi vui mừng phấn khởi, phải tiếp tục và tích cực tiến hành nhiệm vụ để củng cố thắng lợi to lớn của chúng ta.

Đánh giá về tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời, phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. “Đó là thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”. Chiến thắng này góp phần quyết định đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, góp phần quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

70 năm đã trôi qua, kể từ khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa nay đã trở thành điểm hẹn lịch sử của đồng bào cả nước, của bè bạn quốc tế và cả những người đã từng cầm súng ở bên kia chiến tuyến... Đặc biệt, thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật tác chiến chiến lược, chiến dịch và chiến đấu; nhiều bài học có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc... Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục kế thừa, phát triển, làm phong phú hơn kho tàng lý luận về nghệ thuật quân sự Việt Nam, đồng thời vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Ban truyền thông
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 5 đánh giá
Chia sẻ:
TIN KHÁC

Văn bản mới