Trang chủ Y tế học đường

Cảnh giác với dịch bệnh mùa Đông - Xuân

23/01/2024
Mùa Đông - Xuân với nền nhiệt trong ngày thay đổi thất thường và độ ẩm cao là điều kiện cho các loại vi rút, vi khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

1. Bệnh cúm mùa
 


Bệnh cúm mùa là dịch bệnh mùa Đông - Xuân nguy hiểm và có nguy cơ bùng phát mạnh. Đặc biệt với những đối tượng có sức đề kháng kém, không tiêm chủng đầy đủ vắc xin thì bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Bệnh cúm mùa thường lây lan qua tuyến nước bọt, nước mũi/đờm của người bị bệnh với các triệu chứng như đau đầu, ngạt mũi, sốt, đau họng nhẹ.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa như đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Ngoài ra cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế tiếp xúc với người bệnh và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cúm hàng năm. Khi có triệu chứng cúm như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí và sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của các bác sĩ kê đơn và dược sĩ tư vấn.

2. Bệnh viêm họng cấp

Viêm họng cấp là bệnh rất hay gặp vào mùa lạnh, ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em vì nếu không được điều trị sớm, viêm họng cấp có nguy cơ biến chứng dẫn đến bệnh thấp tim.

Bệnh viêm họng là tình trạng mà cổ họng và hầu bị viêm do vi khuẩn hoặc virus gây ra, khiến cho cổ họng đau rát, khó chịu. Viêm họng dạng cấp tính có thời gian bộc phát nhanh chỉ trong khoảng thời gian ngắn trong năm, đặc biệt là thời điểm chuyển mùa khi thời tiết thay đổi thất thường.

Bệnh được thể hiện dưới 3 cấp độ: viêm họng đỏ, viêm họng có giả mạc, viêm họng loét.

Viêm họng cấp xuất hiện ở người viêm amidan, viêm họng VA... do vi khuẩn liên cầu, phế cầu hoặc một số loại vi khuẩn khác khu trú sẵn trong họng. Vi rút cảm cúm, sởi cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm họng cấp. Bệnh thường xuất hiện sau khi tắm ở nơi có gió lùa, tắm không lau khô người mà mặc quần áo ngay. Ngoài ra, bệnh cũng có thể xuất hiện khi đang ở trong nóng mà chuyển sang ngồi phòng máy lạnh hay khi gặp thời tiết thay đổi thất thường, lúc giao mùa từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại…
 


Những biện pháp phòng ngừa bệnh viêm họng cấp:

Vệ sinh răng miệng hằng ngày bằng cách đánh răng sau khi ngủ dậy và trước khi đi ngủ. Thói quen này sẽ giúp cho bạn loại bỏ được các loại vi khuẩn ở khoang miệng và ngăn chặn để mầm bệnh này không đi xuống cổ họng và gây ra bệnh.

- Vào mùa lạnh, nên tắm bằng nước ấm và phòng kín không có gió lùa. Tắm xong và lau khô người sau đó mới mặc quần áo, đảm bảo mặc đủ ấm để tránh cảm lạnh.

- Khi đi ra ngoài cần đeo khẩu trang đặc biệt là nơi đông người nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh.

- Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn và khi tiếp xúc với người bệnh.

- Bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi trong các bữa ăn để bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất cho cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch nhằm giúp cơ thể mau chóng hồi phục.

- Uống nhiều nước để giúp thanh lọc cơ thể và sạch đường hô hấp.

- Không hút thuốc lá và tránh xa những khu vực có nhiều khói thuốc và chất độc hại.

- Hạn chế di chuyển từ môi trường nóng sang môi trường lạnh đột ngột bởi có thể gây sốc nhiệt và làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm họng đỏ cấp tính.

3. Bệnh tiêu chảy cấp
 


Bệnh tiêu chảy cấp là một trong những căn bệnh dễ bùng phát thành đại dịch bệnh tại Việt Nam, nhất là trong thời tiết lạnh ẩm mùa Đông - Xuân. Theo đó, đối tượng thường mắc bệnh là trẻ em có sức đề kháng kém.

Bệnh tiêu chảy cấp là do các loại vi trùng tả, thương hàn hay các loại virus đường ruột như rotavirus xâm nhập vào cơ thể bằng đường miệng. Tốc độ lây nhiễm của bệnh tiêu chảy rất nhanh nên dễ dàng trở thành dịch bệnh nguy hiểm.

Người mắc bệnh tiêu chảy cấp thường có các triệu chứng như: nôn mửa, đi ngoài nhiều lần, mất nước, các triệu chứng này có thể dẫn đến trụy mạch, thậm chí là tử vong nếu không kịp thời bổ sung nước cho cơ thể.

Để chủ động phòng bệnh tiêu chảy cấp, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã. Ngoài ra, cần rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Khi có dấu hiệu bị tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

4. Sốt virus

Biểu hiện của người sốt virus:

- Xuất hiện sốt cao, người bệnh có thể bị viêm hô hấp cấp: viêm họng, họng đỏ, sưng, ho, chảy nước mũi, toàn thân ê ẩm.

- Rối loạn tiêu hóa có thể gây ra tiêu chảy.

- Nổi hạch vùng đầu, mặt, cổ.

- Phát ban, xuất hiện các đốm đỏ nhỏ li ti 2-3 ngày sau khi sốt.

- Đau, đỏ mắt, viêm kết mạc...
 


Cách phòng tránh sốt virus:

- Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, thực hiện đúng ăn chín uống sôi

- Bổ sung các vitamin từ hoa quả.

- Có chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lí.

- Vệ sinh cá nhân, môi trường nơi ở và xung quanh sạch sẽ để tránh bị côn trùng lây bệnh đốt.

- Nếu có triệu chứng sốt do virus, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây cho người thân trong gia đình và mọi người xung quanh.

Ngoài các căn bệnh thường gặp trên, một số căn bệnh dễ dàng bùng phát trở thành dịch trong mùa Đông - Xuân như bệnh liên cầu lợn, viêm đường hô hấp cấp, ho gà, viêm giác mạc, thủy đậu, viêm màng não mô cầu… Để phòng tránh dịch bệnh mỗi người cần nâng cao ý thức, thực hiện các khuyến cáo phòng tránh dịch bệnh của Bộ Y tế, đồng thời thực hiện tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình mở rộng hoặc chương trình tiêm chủng dịch vụ theo đúng lịch hẹn.

Một số cách phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân hiệu quả

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như sau:

- Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm …).

 - Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

- Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm …; nếu cần thiết phải tiếp xúc nên đeo khẩu trang.

- Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
 

Ban truyền thông
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 2 đánh giá
Chia sẻ:
TIN KHÁC

Văn bản mới